Các đại biểu tham gia tọa đàm. Ảnh Hạnh Dung
Đó là chia sẻ của Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở KH&ĐT Hà Nội) Nguyễn Hải Hùng tại cuộc tọa đàm mang tên “Chiến lược tái cấu trúc cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) do Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở KH&ĐT Hà Nội), Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội (HanoiBA) chủ trì, phối hợp cùng Câu lạc bộ CEO 1983 tổ chức trung tuần tháng 8.
Theo ông Tùng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện đang đứng trước nhiều khó khăn, từ áp lực cạnh tranh, sự biến đổi không ngừng của thị trường cho đến những vấn đề về tài chính và nguồn lực. Điềunày đòi hỏi các doanh nghiệp cần tái cấu trúc. Đây không chỉ là thách thức dành riêng cho các tập đoàn lớn mà còn là nhu cầu sống còn đối với các doanh nghiệp nói chung.
Cũng tại cuộc tọa đàm Phó Chủ tịch HanoiBA, Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Bảo Ngọc Lê Đức Thuấn cho rằng, trước khi thực hiện tái cấu trúc, các doanh nghiệp cần xác định được mục tiêu doanh nghiệp đặt ra là gì. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch tái cấu trúc phù hợp với thực tiễn và nguồn lực hiện có. Và đặc biệt, đã có kế hoạch rồi thì cần sớm hành động.
“Mỗi doanh nghiệp sẽ có những cách làm khác nhau. doanh nghiệp có thể tái cấu trúc hàng năm, cho giai đoạn 5 năm hay 10 năm. Định hướng phát triển là tiền đề cho những kế hoạch cụ thể khác nhau trên cơ sở bảo đảm tính khả thi, các yếu tố về sự ổn định của vận hành…” - ông Lê Đức Thuấn nói.
Chia sẻ tại CEO Exchange, bà Lê Dung - Chủ tịch Câu lạc bộ CEO 1983, Tổng Giám đốc Công ty CP đào tạo và phát triển nhân lực DGroup, đơn vị tổ chức chương trình nhấn mạnh, việc doanh nghiệp phải tái cấu trúc trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Hoạt động này thực chất là tạo ra đổi mới và tiến hoá của doanh nghiệp trong từng chu kỳ hoạt động kinh doanh.
CEO Exchange, bà Lê Dung - Chủ tịch Câu lạc bộ CEO 1983, Tổng Giám đốc Công ty CP đào tạo và phát triển nhân lực DGroup. Ảnh Hạnh Dung
Việc tái cấu trúc phải được thực hiện đồng loạt dựa trên 3 thế chân kiềng gồm: tổ chức quản trị - khoa học và công nghệ - tài chính và kinh doanh. Cũng bởi vậy nên thực tế nhiều doanh nghiệp thời gian qua làm cấu trúc không đồng bộ, không cộng hưởng các yếu tố nên thường rơi vào tình trạng “bình mới rượu cũ”.
Cũng theo CEO Lê Dung, khoa học - công nghệ hiện nay đã thay đổi và các nhu cầu lựa chọn của khách hàng cũng rất phong phú. Chính vì vậy, các doanh nghiệp không thể đi sau nếu không muốn bị đào thải.
“Muốn tái cấu trúc doanh nghiệp, cần tầm nhìn phát triển, ý chí cải cách và “cài đặt” tinh hoa vào doanh nghiệp. Thứ nữa, đây nên được coi là sự nghiệp lớn của các doanh nhân, mang tính tự chủ, tự thân và thích ứng với môi trường kinh tế, kinh doanh, chứ không phải chờ đợi hỗ trợ từ Chính phủ. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Chính phủ tiếp tục ưu tiên phát triển cho một số loại hình, phương thức kinh doanh mang tính tiến bộ dưới dạng thuế và ưu đãi về vốn. Nhưng muốn vậy, bản thân các doanh nghiệp cũng phải có các đề án mang tính khả thi cao để đệ trình các cơ quan chức năng, chứ không thể bằng các mối quan hệ thiếu bài bản…” - Chủ tịch Câu lạc bộ CEO 1983 Lê Dung cho biết.
Báo Lao động